Cuộc đời Ngô_Thế_Lân

Ngô Thế Lân người làng Vu Lai[2], huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ông là người học rộng, giỏi thơ văn, tinh thông đạo học, có tinh thần yêu nước, muốn ra cứu đời. Nhưng gặp lúc nước nhà lâm cảnh rối ren, đen tối, nên ông không đi thi, không ra làm quan cho chúa Nguyễn, mà sống ẩn dật tại Vu Lai.

Năm 1770, ông cũng dâng lên Chúa Nguyễn Phúc Thuần những phương sách trị bình về các phương diện binh bị, khẩn hoang, kinh tế, theo ông khả dĩ cứu dân ra khỏi cảnh nước lửa.

Ngô Thế Lân rất sáng suốt và am tường tâm lý dân chúng, những phương sách cải tổ của ông đều dựa vào quyền lợi số đông. Chẳng hạn về phương diện kinh tế, lúc đó dân chúng lén đúc tiền kẽm, với tiền nầy, họ mua thóc khiến giá thóc lên cao, nhiều người nghèo đói, giặc giã nổi lên, cách của ông nhằm trị tận căn nguyên, không chủ trương trừng phạt người lỡ đúc tiền kẽm, nhưng lập kho “Thường bình” (kho an toàn) để khi cần, bán rẻ cho dân chúng.

Thế nhưng lòng lo lắng của ông không được đáp ứng; sáng kiến ông đưa ra, Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần không đủ khả năng nhìn thấy chân giá trị để áp dụng nên tệ hại vẫn tiếp tục.

Đầu năm Ất Mùi (1775), Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh.

Năm 1776, Lê Quý Đôn được cử vào giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, có viết thư mời. Ngô Thế Lân lúc này đã khoảng hơn 50 tuổi, ông từ tạ đại ý nói lại chơi để cầu tiến thì không dám đến. Ông "chỉ gửi thư cảm tạ và nói lấy sự xu thời cầu cạnh làm hổ thẹn" mà từ chối[3].

Theo Đại Nam thực tiền biên thì mãi sau khi Nguyễn Huệ đánh lấy Phú Xuân (1786), ông mới ra làm quan cho nhà Tây Sơn[4].